Trải qua 25 năm thực hiện chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai trên địa bàn quận, Hội LHPN quận luôn xác định đây là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội, nhằm góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục chăm lo thế hệ trẻ với mục tiêu là: “Tiếp sức cho trẻ tiếp tục đến trường, hạn chế tình trạng trẻ bỏ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vận động, hỗ trợ những gia đình nghèo khắc phục khó khăn để các em có thể duy trì việc học tập, chung tay góp phần đào tạo nguồn nhân lực trẻ, ươm mầm xanh hy vọng cho đất nước, góp sức cùng ngành giáo dục hoàn thành phổ cập giáo dục các cấp”.
Từ 89 suất học bổng ban đầu khi mới phát động (năm 1990) cho đến nay số suất học bổng mỗi năm đều tăng (năm sau cao hơn năm trước) và chất lượng cũng được nâng lên, cụ thể: Giai đoạn từ năm 1990 – 1995 đã vận động thực hiện trao 1.002 suất với số tiền 450.200.000đ; đến giai đoạn 1995-2000 đã trao 1.302 suất với số tiền 588.000.000đ; giai đoạn 2000-2005 đã trao 3.275 suất với số tiền 2.157.700.000đ; giai đoạn 2005-2010 đã trao 2.859 suất với số tiền 1.980.100.000đ; giai đoạn 2010-20015 đã trao 3.210 suất với số tiền 2.499.060.000đ. Tổng cộng đã trao 11.648 suất với số tiền 7.675.060.000đ.
Về giá trị học bổng, những năm đầu triển khai, giá trị một suất học bổng cấp I là 300.000đ, cấp 2 là 400.000đ; cấp 3 là 500.000đ; sau đó tăng dần cấp I là 500.000đ, cấp 2 là 700.000đ, cấp 3 là 1.000.000đ, Đại học là 1.500.000đ; và đến nay đã tăng lên cấp I là 1.000.000đ, cấp 2 là 1.200.000đ, cấp 3 là 1.500.000đ, Đại học là 2.000.000đ.
Bằng trách nhiệm và tình thương sâu sắc đối với thế hệ tương lai của đất nước, các cấp Hội trên địa bàn quận đã tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các mạnh thường quân, các giới phụ nữ tham gia đóng góp xây dựng chương trình. Các cấp Hội từ quận đến phường luôn sáng tạo, đổi mới phương thức vận động để chương trình ngày một bền vững như: gắn chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai với phát động phong trào “Heo đất thỏ ngọc” nhằm giáo dục ý thức tiết kiệm của các em nhận học bổng; tổ chức các chương trình về nguồn để các em phấn đấu, noi gương các bậc cha anh và học tập tốt hơn; song song đó, vào năm 2010 Hội LHPN quận còn phát động thực hiện công trình “Góc học tập”, kết quả đã trao tặng 615 góc học tập cho con cán bộ, hội viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí 258.300.000đồng giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn.
Để đáp lại tấm lòng của các tổ chức, cá nhân và mạnh thường quân đã quan tâm đỡ đầu học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, hầu hết các em đều nỗ lực vươn lên trong học tập, tốt nghiệp Đại học và thành đạt. Đặc biệt trong những năm gần đây, thế hệ học sinh đã được nhận học bổng giai đoạn 1990 – 1995 đã trưởng thành, có việc làm ổn định đã trở lại chung tay cùng với tổ chức Hội tiếp sức cho các em nhỏ được tiếp tục đến trường như em Nguyễn Trung Tín (P7); em Trần Ngọc Lân (P19… Qua việc chăm lo, giáo dục động viên của tổ chức Hội, các em không chỉ vượt khó trong học tập mà còn tự nguyện tham gia công tác xã hội tại địa phương như: phong trào “Kế hoạch nhỏ”, “Bạn giúp bạn”, đóng góp ủng hộ các học sinh vùng xâu – vùng xa, các bạn huyện ngoại thành; cùng với các anh chị Đoàn thanh niên thăm và chăm sóc các mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ tại địa phương…
Qua 25 năm thực hiện, chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai đã mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc. Với sự nỗ lực rất lớn của các cấp Hội từ quận đến cơ sở, chương trình đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và hệ thống chính trị; huy động được đông đảo mọi tầng lớp trong xã hội đồng tình hưởng ứng và xem đây là những việc làm cụ thể để quan tâm chăm sóc thế hệ trẻ, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm trồng cây, Vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Nguyễn Liêm